Hướng dẫn kết nối audio interface với micro, loa kiểm âm và tai nghe đúng đắn nhất
Nhiều người đã biết cách kết nối audio interface với các thiết bị âm thanh khác như micro, headphone kiểm âm, loa kiểm âm. Tuy nhiên, số người có thể hiểu cặn kẽ các cổng kết nối để làm hệ thống thu âm đạt hiệu suất tốt nhất lại không nhiều. Bài biết hôm nay, chúng ta sẽ cùng làm rõ hơn về các kết nối thiết bị âm thanh với audio interface để tín hiệu âm rõ, không bị nhiễu và có thể tránh việc làm hỏng thiết bị vì kết nối sai.
Tại sao cần kết nối audio interface với các thiết bị vào/ra đúng chuẩn?
Audio interface chuyển đổi tín hiệu sóng âm từ micro và nhạc cụ sang tín hiệu số để xử lý trên máy tính, sau đó lại chuyển tín hiệu số sang dạng sóng âm phát qua loa và tai nghe. Việc thu và phát âm thanh phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chuyển đổi của thiết bị này. Chúng ta không chỉ quan tâm đến các mạch xử lý bên trong, mà tín hiệu âm ổn định, sạch và trung thực còn được quyết định ngay ở đầu vào / đầu ra.

Bạn cần kết nối đúng để tín hiệu âm thanh vào/ra tốt nhất. Vì chất lượng âm thanh có thể khác nhau tùy thuộc vào loại kết nối do có sự khác biệt về đặc tính mỗi loại cổng input/output.
Kết nối đúng cũng là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng xử lý độ trễ của bộ chuyển đổi tín hiệu âm thanh.
Quan trọng hơn, việc cắm sai đầu input/output còn có thể làm hỏng các thiết bị âm thanh.
Audio interface với các thiết bị kết nối
Hãy cùng xem xét một hệ thống xử lý âm thanh với audio interface là trung tâm sẽ kết nối như thế nào.
#1. Audio interface
Đầu tiên, phải kể đến bộ giao diện âm thanh, bạn cần chọn loại phù hợp với nhu cầu sử dụng. Loại thiết bị có 2 đầu vào / 2 đầu ra sẽ phù hợp với thu âm cá nhân đơn giản hay các phòng thu nhỏ. Tuy nhiên, với phòng thu chuyên nghiệp, một audio input interface cần tối thiểu 4 input/4 output mới đáp ứng được việc thu nhiều nguồn âm thanh cùng lúc để có thể cho ra thành phẩm là những đoạn thu âm chất lượng cao.
Các chuẩn kết nối với máy tính như: USB, Thunderbolt, FireWire hay PCIe ảnh hưởng lớn đến tốc độ truyền tải dữ liệu. Chuẩn USB rất phổ biến, tương thích với cả máy tính Windows hay MacOS. Nếu hướng đến thu âm chất lượng cao, bạn có thể chọn kết nối Thunderbolt. Hay để ứng dụng trong các phòng thu chuyên nghiệp, yêu cầu cao về độ trễ thấp và cần băng thông cực lớn, một bộ xử lý tín hiệu âm thanh với cổng PCIe là một lựa chọn hoàn hảo.
Ngoài ra, thiết bị audio interface có hỗ trợ nguồn phantom 48V cũng là một vấn đề đáng lưu tâm khi bạn cần thu âm với micro condenser, bắt được âm thanh trung thực nhất có thể.
#2. Micro thu âm
Khi chọn micro thu âm, không phải cứ thu âm rõ từng chi tiết, chống nhiễu tốt sẽ là một lựa chọn hoàn hảo. Tùy thuộc vào việc đánh giá mục đích sử dụng và môi trường thu âm, bạn sẽ cần lựa chọn micro dynamic hay micro condenser.
Micro dynamic hay micro thường có cho chất lượng thu âm thấp hơn micro condenser với độ nhạy cao? Bạn có thể thấy rằng, việc ít nhạy hơn giúp chúng xử lý âm thanh khá tốt mà không bị quá tải, khả năng loại bỏ âm thanh từ môi trường xung quanh sẽ tốt hơn mic condenser, rất phù hợp khi thu âm trong một không gian mở, live ngoài trời.
Với micro condenser, ghi âm với từng chi tiết nhỏ nhất, giúp phát hiện những thay đổi về âm thanh nhẹ nhàng, bắt được sự tinh tế trong từng nốt nhạc, lại rất phù hợp trong một không gian kín như phòng thu.
Cáp kết nối micro có nhiều loại như: XLR, TS/TRS hay các chuẩn USB phổ biến ở các thiết bị điện tử ngày nay. Nếu là một phòng thu chuyên nghiệp, chúng tôi khuyên nên sử dụng micro có cổng XLR hỗ trợ giảm nhiễu hiệu quả.
#3. Tai nghe kiểm âm
Tai nghe có 2 kiểu để bạn cân nhắc là closed-back và open-back:
Với dạng closed-back, bạn sẽ có một tai nghe cách âm bên trong và bên ngoài rất tốt, ngăn chặn tiếng ồn của môi trường khiến bạn cảm nhận âm thanh rõ hơn, đặc biệt với hiệu ứng bass mạnh và sâu hơn.
Với dạng open-back, bạn sẽ cảm nhận được âm thanh tự nhiên hơn do tai nghe có lỗ thoát âm, cho phép âm thanh đi qua. Nếu cần cảm nhận âm thanh trung thực, tự nhiên thì đây là loại headphone dành cho bạn
Cổng kết nối tai nghe kiểm âm thường là chuẩn TS/TRS 3.5mm và 6.3mm, bạn cần chọn audio interface có kết nối phù hợp với headphone kiểm âm.

#4. Loa kiểm âm
Có 2 loại loa bạn cần lưu ý là loa active (loa tự khuếch đại) và loa passive (loa thụ động, loại này cần ampli rời).
Với loa active có tích hợp sẵn ampli bên trong, rất tiện lợi khi có thể kết nối trực tiếp với audio interface, nhờ đó sẽ phát âm thanh chính xác.
Với loa passive, bạn sẽ cần thêm ampli để khuếch đại âm thanh, rất phù hợp khi bạn xây dựng dàn Hi-Fi hoặc hệ thống âm thanh lớn.
Đối với cổng kết nối, chuẩn TRS/XLR (balanced) hỗ trợ giảm nhiễu tốt hơn. Do đó, khi đã chọn audio interface có các kênh vào / ra TRS/XLR nhằm thu và phát âm thanh chất lượng, bạn cũng nên chọn loa có kết nối cổng TRS/XLR phù hợp.
#5. Dây cáp kết nối
Bạn cần chuẩn bị các loại cáp kết nối theo nhu cầu thu âm:
-
XLR: Dùng cho micro (balanced).
-
TRS (1/4 inch): Dùng cho loa kiểm âm hoặc headphone (balanced).
-
TS (1/4 inch): Kết nối nhạc cụ như guitar, bass (unbalanced).
-
RCA: Kết nối loa hoặc thiết bị âm thanh tiêu dùng (unbalanced).
-
USB/Thunderbolt/FireWire: Kết nối Audio Interface với máy tính.
#6. Máy tính và phần mềm âm thanh / plugin
Đối với một hệ thống âm thanh trong phòng thu, một máy tính có thể xử lý mượt mà các chương trình DAW rất cần thiết. Chắc hẳn bạn muốn tránh tình trạng bị treo máy, xử lý chậm? Nếu vậy, một bộ máy tính mạnh mẽ sẽ giúp công việc xử lý âm thanh nhanh, chính xác và ổn định:
- DAW cần CPU đa nhân, có thể chọn i7-13700K hay Ryzen 7 7700X trở lên.
- DAW cần đọc file âm thanh, đọc dữ liệu nhanh. Vì vậy bạn hãy chuẩn bị bộ máy 16GB RAM trở lên.
- Nên chọn loại ổ cứng SSD để chạy DAW mượt mà và êm.
- Sound card là thành phần cực kỳ quan trọng khi xử lý âm thanh. Hãy chọn loại có độ trễ thấp, giảm nhiễu tốt và có số cổng output/input phù hợp.
- Ngày nay, những phòng thu chuyên nghiệp sẽ sử dụng Audio ineterface kết nối với máy tính chạy HĐH MacOS vì hỗ trợ tốt trong công việc thu âm, độ ổn định cao do tích hợp sẵn CoreAudio. Tuy nhiên, sử dụng máy Windows, nếu bạn cài thêm phần mềm ASIO cũng giúp giảm nhiễu tốt.
Hướng dẫn kết nối audio interface
#1. Kết nối Audio Interface với máy tính
Bước 1: Cắm dây USB, Thunderbolt hoặc FireWire từ Audio Interface vào máy tính.
Bước 2: Nếu cần, cài đặt driver từ website của hãng sản xuất.
Bước 3: Kiểm tra máy tính có nhận diện đúng thiết bị hay không:
- Windows: Vào Device Manager > Sound, video and game controllers.
- macOS: Vào System Preferences > Sound.
Bước 4: Chọn Audio Interface làm thiết bị mặc định trong phần mềm DAW.
#2. Kết nối micro với Audio Interface
Bước 1: Dùng cáp XLR cắm micro vào cổng Mic Input trên Audio Interface.
Bước 2: Nếu dùng micro condenser, bật nguồn 48V phantom power.
Bước 3: Điều chỉnh núm Gain sao cho tín hiệu đạt mức tối ưu:
- Tránh để quá cao gây méo tiếng (clipping).
- Mức tín hiệu lý tưởng: Khoảng -12dB đến -6dB trên DAW.
Bước 4: Bật chế độ Direct Monitoring nếu muốn nghe trực tiếp không qua DAW.
#3. Kết nối tai nghe kiểm âm
Bước 1: Cắm tai nghe vào cổng Headphone Output trên Audio Interface.
Bước 2: Nếu cần, dùng adapter 6.3mm để phù hợp với cổng cắm.
Bước 3: Điều chỉnh volume headphone sao cho đủ nghe, tránh gây hại tai.
Bước 4: Nếu dùng phần mềm DAW, bật chế độ monitoring phù hợp:
- Direct Monitoring: Nghe âm thanh trực tiếp từ Audio Interface, giảm độ trễ.
- Software Monitoring: Nghe qua DAW, có thể có hiệu ứng nhưng có độ trễ.
#4. Kết nối loa kiểm âm
Bước 1: Sử dụng dây TRS hoặc XLR để kết nối Output (Main Out) của Audio Interface với loa kiểm âm.
Bước 2: Đảm bảo loa kiểm âm đã được cắm điện (nếu là loa active).
Bước 3: Điều chỉnh volume output trên Audio Interface trước khi mở loa.
Bước 4: Kiểm tra vị trí đặt loa:
- Đặt ở độ cao ngang tai người nghe.
- Tạo tam giác đều giữa hai loa và vị trí nghe.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 30cm từ tường để tránh cộng hưởng bass.
Cấu hình phần mềm DAW để tối ưu âm thanh
#1. Chọn Audio Interface làm thiết bị đầu vào/đầu ra
-
Windows: Chọn ASIO Driver (nếu có).
-
macOS: Chọn Core Audio.
#2. Điều chỉnh Buffer Size để giảm độ trễ
-
Buffer Size thấp (~128 samples): Giảm độ trễ khi thu âm.
-
Buffer Size cao (~512-1024 samples): Giúp ổn định hệ thống khi mix/master.
#3. Thiết lập sample rate và bit depth
-
44.1kHz/24-bit: Chuẩn cho thu âm nhạc phổ thông.
-
48kHz/24-bit: Chuẩn cho sản xuất video.
-
96kHz/32-bit: Chất lượng cao hơn nhưng nặng hơn cho CPU.
Lời Kết
Tóm lại, khi kết nối audio interface với hệ thống âm thanh, bạn cần hiểu rõ các cổng vào/ra của giao diện âm thanh và cả các thiết bị khác để khi sau khi kết nối, hệ thống vận hành tối ưu, ổn định, quạn trọng nhất là tránh được hỏng hóc do kết nối sai mang lại. Song song đó, bạn cần bảo dưỡng thiết bị phòng thu âm thường xuyên để hệ thống hoạt động bền bỉ, không bị lỗi sau thời gian dài sử dụng.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về các thiết bị phòng thu âm khác cùng cách hết nối, vận hành dưới đây:
- Audio interface – nên mua ở đâu để đảm bảo chất lượng?
- Loa kiểm âm Neumann KH 120 II – Lựa chọn số 1 cho phòng thu tại Việt Nam
- Các phần mềm master audio tốt nhất được dùng phổ biến 2023
- Cách chọn audio interface cho PC thích hợp nhất
- Micro Neumann U87 AI – Tiêu chuẩn vàng của mọi phòng thu âm toàn cầu